Sẽ là vô trách nhiệm khi cộng đồng khoa học chờ đợi Chính phủ một mình giải quyết các vấn đề gặp phải trong việc xây dựng một nền đại học Việt Nam chất lượng cao.
*GS Pierre Darriulattừng trong số những nhà khoa học hàng đầu ở trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu CERN, nơi đang có máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới LHC. Với tình yêu Việt Nam, năm 1998, ông về hưu sinh sống tại Hà Nội mang theo một phòng thí nghiệm nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ về tia vũ trụ. Tham gia giảng dạy đại học, ra đề thi Olympic Vật lý quốc tế 2008, và nhiều sinh hoạt học thuật khác, ông đã nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng khoa học Việt Nam. Luôn bức xúc với tình trạng chảy máu chất xám mà bản thân ông đang chứng kiến ngay với những học trò do mình đào tạo ra, trước cơ hội xây dựng những đại học chất lượng quốc tế sắp đến, ông viết bài này đưa ra cách nhìn khách quan về giáo dục đại học Việt Nam và mong mỏi sự chung sức của giới khoa học trẻ để chấn hưng nền đại học nước nhà. Bài do nhà văn Nguyên Ngọc dịch.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiếng nói khuyến khích các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng giảng dạy của mình; xuất phát từ tâm huyết, nó chứng tỏ tình yêu sâu sắc đối với Việt Nam của những người lên tiếng, và niềm tin của họ rằng đất nước không có được trường đại học tương xứng với nó. Điều chủ yếu không phải là lên án các khiếm khuyết đã quá hiển nhiên đối với những ai chịu nhìn thẳng mà là mở mắt cho những người có xu hướng thoả mãn với tình hình hiện tại và củng cố ý tưởng cho rằng chính sách đi từng bước nhỏ có thể giải quyết được các vấn đề. Các phê phán thường đối chiếu với những đại học tốt nhất ở nước ngoài và môi trường trí thức ưu tú là đặc trưng ở đấy và phải công nhận là điều đó đang thiếu một cách nặng nề ở các trường đại học Việt Nam.
Hình như hiện nay người ta đã ý thức được ở tất cả các cấp độ về sự lạc hậu của các đại học Việt Nam so với các trường đại học ở nước ngoài và tầm quan trọng của việc lấp đầy sự lạc hậu đó càng nhanh càng tốt đã được chấp nhận như là một nhiệm vụ quốc gia cấp bách. Chính phủ đã nhiều lần tỏ rõ ý chí và quyết tâm hành động và làm cho trình độ của các trường đại học được nâng cao lên. Như vậy đây không còn là lúc lên án các thiếu sót – dù việc có được một cái nhìn sáng suốt về bản chất của những thiếu sót đó vẫn còn là quan trọng – mà là làm thế nào để cho thuốc chữa có hiệu quả. Song không nên tự đánh lừa, tầm to lớn của nhiệm vụ thật khủng khiếp. Những bài toán liên quan đến việc dân chủ hoá nền giáo dục bậc cao, là những bài toán toàn cầu chưa nơi nào có lời giải hoàn toàn thoả đáng, đương nhiên đang hiện diện, và thường càng gay gắt hơn trong hoàn cảnh Việt Nam. Và cứ như chừng đó còn chưa đủ, những vấn đề thuần tuý Việt Nam, hậu quả của chiến tranh và tiếp liền sau chiến tranh, càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.
Dân chủ hoá giáo dục bậc cao rõ ràng là một trong những tiến bộ văn hoá và xã hội đáng kể nhất của nửa thế kỷ qua và, đồng thời còn lâu mới là một thành công hoàn chỉnh. Nó đã làm nảy sinh những hy vọng quá mức và hoàn toàn phi thực tế về tiến bộ xã hội và sự lệch pha giữa mơ ước và thực tế đó vẫn là trở ngại chủ yếu nó vấp phải, cả cho đến ngày nay, ngay ở những nước phát triển nhất. Ngày trước đại học được dành cho một lớp tinh hoa – dù đó là một giai cấp được ưu tiên hay, hiếm hơn, những sinh viên có tư chất đặc biệt – giáo dục bậc cao cho phép đạt được đến những vị trí cao nhất trong bậc thang xã hội. Đương nhiên nó không còn là như thế nữa khi giáo dục bậc cao được mở rộng cho mọi người. Từ đó sinh ra những tuyệt vọng sâu sắc và lâu dài, chỉ có thể mất đi sau nhiều thập kỷ. Cũng từ đó mà có nhu cầu xem xét lại một cách sâu sắc mục đích, sứ mệnh và cấu trúc của nền giáo dục bậc cao để có thể làm cho nó thích ứng được với hiện thực xã hội mới. Chính từ đó nảy sinh vô số bài toán mới phần lớn, cho đến ngày nay, chưa có lời giải đáp hoàn toàn thoả đáng; việc phân chia các vai trò giữa các trường dạy nghề và các trường đại học truyền thống, sự cân đối giữa việc đào tạo các nhà kỹ thuật, kỹ sư và nhà nghiên cứu, thứ hạng các văn bằng và thời lượng đào tạo, quan hệ với xã hội dân sự và với thế giới công nghiệp và các xí nghiệp, mức độ tự trị và nguồn tài chính, tầm quan trọng của các hoạt động nghiên cứu... Nếu một hình mẫu duy nhất thoả mãn tất cả còn lâu mới được hình thành, thì ít nhất cũng có một điều chắc chắn: sự phức tạp của vấn đề là mênh mông và sự đa dạng của các giải pháp cho phép giải quyết chúng cũng ngang tầm mênh mông đó.
Bản tóm tắt quá ngắn gọn trên đây về những khó khăn mà công cuộc dân chủ hoá nền giáo dục bậc cao gặp phải trên phạm vi toàn cầu cho thấy rõ những khó khăn ấy càng khuếch đại đến chừng nào khi ta xem xét chúng trong điều kiện Việt Nam: trước Cách mạng tháng tám, Việt Nam có 95% dân số mù chữ và bố mẹ của tuyệt đại đa số các sinh viên ngày nay không có trình độ đại học. Không nên quên rằng con số đó chỉ còn 6% vào năm 2004: cần luôn nhớ rõ các con số ấy khi nói về giáo dục Việt Nam.
Những điều lưu ý trên nhắc nhở chúng ta nhìn nhận một cách sơ bộ đặc điểm của tình hình Việt Nam và các vấn đề riêng của nó. Giữa Cách mạng tháng tám và thống nhất đất nước ba thập niên chiến đấu đẫm máu đã trôi qua. Suốt thời kỳ này, nhiều lần một bộ phận có học nhất trong dân chúng đã rời đất nước ra đi. Trước khi nói đến đào tạo sinh viên, phải đào tạo những người thầy và, do những khó khăn của đất nước trong những năm liền sau chiến tranh, có thể nói đã mất đi hai thế hệ những người thầy cho nền đại học Việt Nam.
Thêm vào đó, vào đầu những năm 1980 dân số đã gia tăng đột ngột và những đứa trẻ sơ sinh cuối thế kỷ trước hôm nay đang đổ vào các đại học. Cho nên xây dựng đại học mới là lâu dài và khó khăn hơn nhiều xây dựng các cơ sở hạ tầng như hệ thống đường sá, đấy là một điều hiển nhiên không thể không biết đến.
Trước một tình hình như vậy sẽ là vô trách nhiệm khi cộng đồng khoa học chờ đợi Chính phủ một mình giải quyết các vấn đề gặp phải trong việc xây dựng một nền đại học Việt Nam chất lượng cao. Dù có là chính phủ giỏi nhất, sáng suốt nhất và hiệu nghiệm nhất hành tinh, nó cũng không có được chiếc đũa thần cho phép hoàn thành được những trách nhiệm nặng nề đến thế. Trong những nỗ lực ấy, Chính phủ cần có sự giúp đỡ và hỗ trợ của toàn thể cộng đồng.
Trong nước Việt Nam ngày nay, chính những người trẻ là những người có thể mang đến cho Chính phủ một sự giúp đỡ có hiệu quả và đồng bộ hơn cả. Đồng bộ là nhân tố cốt yếu. Không thể điều khiển một cỗ xe mà mỗi con ngựa lại kéo về một phía. Mỗi người phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Các nhà quan sát nước ngoài thường phê phán một biểu hiện tính thụ động ở sinh viên Việt Nam mà họ cho là do từ nền giáo dục những người này nhận được. Họ bảo rằng sinh viên đã bị cầm tay dắt đi nhiều quá, không được khuyến khích có sáng kiến và tự mình xoay xở. Nhưng chúng ta biết rằng khi được đưa vào một môi trường thuận lợi cho việc giải phóng các năng lực của họ hơn, thì họ liền làm ngay điều đó: trong huyết quản của họ cũng dồi dào sự quả cảm, quyết tâm và hăng say như tất cả thanh niên trên toàn thế giới.
Chính những người trẻ hôm nay sẽ là những người chủ của nền đại học ngày mai mà ta phải ra tay xây dựng từ bây giờ. Ngôi nhà tương lai sẽ được đặt trên vai họ, chính họ sẽ quyết định thành công của sự nghiệp. Chính họ, ngay từ hôm nay phải nhận lấy việc hợp nhất các nổ lực để mang đến cho Chính phủ sự hỗ trợ đồng bộ mà Chính phủ cần có để có thể làm tốt nhiệm vụ khó khăn của mình.
Huy động những nhà khoa học trẻ Việt Nam trong một nỗ lực như vậy rõ ràng là một nhiệm vụ quốc gia cấp bách. Những người trẻ trong từng nhóm, từng phòng thí nghiệm, từng viện nghiên cứu cần phân tích và phát biểu các yêu cầu của mình trong một tinh thần xây dựng và thực tế nhất. Những cuộc hội thảo để có được những trao đổi như vậy không thiếu và ở nơi nào còn thiếu thì việc tổ chức ra chúng cũng chẳng khó khăn gì. Các nhà khoa học trẻ Việt Nam cần sớm có ý thức về vai trò của mình trong việc xây dựng nền đại học mới, thắng sự e dè và vứt bỏ thái độ thụ động mà họ đã quen. Họ phải ý thức rằng các giải pháp cho những bài toán của họ không bỗng dưng có sẵn tự trên trời rơi xuống, rằng chính họ phải bày tỏ, phải sáng tạo ra chúng. Không có sự tham gia tích cực của họ Chính phủ sẽ bất lực khi phải một mình xây dựng chính sách giáo dục bậc cao và nghiên cứu mà quốc gia đang cần.
Một số người có thể thấy những lời nói này, từ miệng một người nước ngoài, là hỗn hào, thậm chí ngạo mạn. Tôi hy vọng mười năm tôi đã cống hiến cho việc đào tạo các sinh viên trẻ Việt Nam đã đủ để làm quên đi màu hộ chiếu của tôi. Xin họ tin ở sự khiêm nhường sâu sắc thấm đượm trong những lời phát biểu của tôi: niềm tin chắc tôi đã đặt trong những lời nói ấy, tôi biết rõ, không đảm bảo cho tôi tránh được sai lầm và tôi không hề có được sự sáng suốt đặc biệt nào cho phép tôi tin rằng mình hoàn toàn đúng.
Pierre Darrinlat (Theo VnExpress)
0 Post a Comment:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!
Chúc bạn có một ngày thật vui vẻ.