"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên"

せんりのみちもいっぽから

Apr 18, 2011

Một thời để nhớ!



hành trình xanh xv 2010

Cuộc sống trên đỉnh đèo Hải Vân
(Dân trí) - Đèo Hải Vân nối Thừa Thiên - Huế với Đà Nẵng dài ngót nghét 20km, uốn lượn như một sợi dây thừng chênh vênh vắt qua các sườn núi. Gió mang hơi thở êm ả từ biển thổi qua từng mỏm đá, rì rào trên những rừng cây, tha thướt cùng mây trời…

Quan ải xưa.
Bên sườn núi là những thân cây rừng lâu năm rêu phong, mốc thếch vươn mình trổ lộc mới tháng ba sau những ngày rét mướt... Những đoàn xe chở khách du lịch nối đuôi nhau thong thả leo dốc, để rồi cùng dừng lại chốn đỉnh đèo chiêm ngưỡng dấu tích của tiền nhân nhiều thế kỷ trước trên con đường thiên lý Bắc Nam nhiều huyền thoại…

Một ngày nắng đẹp, chúng tôi quyết định hành trình lên đỉnh đèo Hải Vân bằng xe máy, để thêm những cảm nhận về một trong những cảnh sắc tuyệt vời của đất nước Việt Nam mến yêu, và cũng để xem cuộc sống của những cư dân sống nơi đỉnh đèo ra sao.
... với những vết tích của chiến tranh.

Từ khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, lượng xe cộ qua lại trên đèo đã giảm hẳn, còn lại chủ yếu là những đoàn khách du lịch, hay những xe máy, xe quá khổ, quá tải chạy trên cung đường đèo này. Chúng tôi đến đỉnh đèo, ghé vào một quán nước bên đường. Vợ chồng anh chủ quán Nguyễn Tư thân mật tâm tình: “Nhà tôi ở dưới Phú Lộc, dưới dân đèo bắc Hải Vân, lên đây buôn bán cũng được chừng hơn chục năm trời. Hồi trước sáng vợ chồng đèo nhau lên bằng chiếc xe 81 lúc 6 giờ, ở đây đến 7 giờ tối mới về. Sau thấy bất tiện quá nên chuyển hẳn lên đây dựng nhà. Giờ quen rồi không muốn xuống nữa!”.

Được biết, trên đỉnh đèo Hải Vân này có khoảng 16 hộ, chủ yếu là buôn bán nước giải khát, hàng lưu niệm, quán ăn và một số dịch vụ khác. Còn lại khoảng 5-6 hộ sống lưng chừng đèo với vài tiệm vá xe, nước mui… cuộc sống cũng nhiều vất vả. Chị Nguyễn Thị Gái, ở Liên Chiểu, Đà Nẵng, lên đây cũng tầm chục năm kể: “Lúc hầm Hải Vân khánh thành, cuộc sống của chúng tôi cũng khá lao đao, bởi lượng người và xe giảm hẳn, tưởng phải bỏ nghề. Nhưng rồi vì nhớ cuộc sống nơi mây ngàn gió núi này, vợ chồng con cái lại dắt díu nhau lên. Mở lại quán phở, cà phê tằn tiện sống qua ngày”.
Những quầy hàng trên đỉnh Hải Vân.
Những am thờ trên đèo

Trước đây, khi hầm Hải Vân rậm rịch khánh thành, nhiều hộ dân buôn bán nơi đây sợ sẽ mất kế sinh nhai. Có nhiều hộ đã rời về quê cũ tính kế khác làm ăn, có người vào rừng đốn củi kiếm ngày mươi lăm ngàn nuôi gia đình. Chỉ còn lại một vài hộ bất chấp khó khăn cố gắng bám trụ lại, hy vọng vào một điều gì đó tươi sáng hơn. Và bây giờ, những người dân ấy đã có được cuộc sống ổn định hơn, chắc chắn hơn nhờ vào lượng khách qua lại thường xuyên nơi đây.

Chị Lê Thị Hương bán đồ lưu niệm cho biết: “Ban đầu cũng chật vật lắm, một ngày bán được có một chiếc vòng giá năm ngàn, lấy gì nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học dưới nhà. Nhưng không bám trụ thì biết làm sao, rồi cuối cùng cũng qua cả. Bây giờ khách du lịch lên đây nhiều, buôn bán cũng khấm khá hơn”. Đang nói chuyện, chị Hương lại tất tả chạy đi vì có một đoàn khách sinh viên xúm xít bên quầy đồ lưu niệm của chị, nhìn những nụ cười trên nhiều khuôn mặt người dân nơi đây, chúng tôi biết cuộc sống êm đềm đã trở lại với họ.
Một hộ gia đình sống giữa lưng chừng đèo

Hiện tại lượng khách du lịch qua lại nơi đây tương đối đông, mỗi ngày cũng vài chục đoàn, chưa tính khách đi lẻ. Những cung đường khúc khuỷu vờn mây, nhìn về phía nam là thành phố Đà Nẵng trẻ trung và sôi động với vịnh biển xanh ngắt trong nắng, phía bắc là bãi biển Lăng Cô yên bình hiền hòa, trên đỉnh là Hải Vân quan với những làn mây trôi lờ lững chậm rãi, rất thích hợp cho tham quan, nghỉ dưỡng, tour đường dài, tour địa hình… và là một trong những thắng cảnh của miền Trung.

Một điều thú vị nữa là tình trạng chèo kéo khách, giành giật khách tuyệt nhiên không còn xảy ra như nhiều năm về trước. Đó là nhờ các chiến sỹ đồn biên phòng 224, thuộc Đồn Biên phòng TP Đà Nẵng. Từ khi có sự xuất hiện của các chiến sỹ quân hàm xanh, nạn trấn lột, chèo kéo khách giảm hẳn. Để quản lý được 16 hộ dân đăng ký kinh doanh và khoảng 60 người bán hàng rong, ngoài những biện pháp nghiệp vụ được áp dụng trong những tình huống cần thiết, hàu hết các chiến sỹ biên phòng 224 đều tác động vào tình cảm, khuyên nhủ, tuyên truyền để họ có cách bán hàng lịch sự, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch nơi đây.
Đèo Hải Vân, nhìn về phía Đà Nẵng.

Chiều xuống trên đỉnh Hải Vân, chúng tôi chia tay với những hộ dân buôn bán trên đỉnh đèo, ánh nắng chênh chếch chiếu xuống con đường ngoằn ngoèo, như sợi dây mỏng mảnh ngăn cách núi cao và biển Đông lung linh phía dưới. Tạm biệt những con người trên đỉnh hùng quan, nơi cuộc sống êm đềm và thong thả, nơi những nụ cười luôn tươi rói trên khuôn mặt họ, cho một niềm tin tưởng vào tương lai…

0 Post a Comment:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!
Chúc bạn có một ngày thật vui vẻ.

Kết nối bạn bè

Wikipedia

Search results

Video Nổi bật

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm

 
Please Enable Javascript!Enable JavaScript