“Thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa, sống với tất cả nhiệt huyết, đi làm từ thiện khi rảnh, cống hiến của mình được xã hội ghi nhận…” là những điều mà tiến sĩ trẻ 29 tuổi, Nguyễn Bá Hải, hài lòng nhất về cuộc sống hiện tại của mình. Anh đã quyết định từ chối lời đề nghị làm việc tại Hàn Quốc để trở về Việt Nam giảng dạy với mức lương của một công chức nhà nước.
Với Bá Hải, hạnh phúc là được sống hết mình với từng khoảnh khắc trôi qua.
|
Tốt nghiệp cấp 3, rời vùng quê nghèo Thanh Hóa, mang theo giấc mơ về những chiếc ô-tô do tự mình chế tạo ra, chàng trai Nguyễn Bá Hải ngày ấy đã chọn theo học ngành Ô-tô của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.
Với Bá Hải, Sài Gòn chính là miền đất hứa, anh không chỉ được học ngành mình yêu thích mà còn là nơi giúp anh dễ dàng tìm được những công việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và học hành. Với niềm đam mê cháy bỏng, Nguyễn Bá Hải đã làm được nhiều hơn những điều chính bản thân anh mong đợi…
Chưa bao giờ hối hận
Sau khi tốt nghiệp đại học, Bá Hải nhận được học bổng thạc sĩ ở Hàn Quốc. Say mê nghiên cứu, sáng tạo cộng với sự nỗ lực không ngừng, Bá Hải đã nhận được 3 bằng sáng chế do chính phủ Hàn Quốc cấp. Với số điểm tối đa 100/100 của luận văn thạc sĩ, Bá Hải tiếp tục học lên tiến sĩ chuyên ngành biorobotics (robot sinh học). Năm 2011, Bá Hải trở thành tiến sĩ ở tuổi 28. Những tưởng khi có một học vị cao như thế, Hải sẽ chọn cho mình một công việc xứng tầm, với mức lương “ngất ngưởng” để bù lại tháng ngày khó khăn, vất vả của tuổi thơ, những ngày phải đạp xe đi làm, dạy thêm… Nhưng Bá Hải đã chọn con đường mà bản thân anh cũng ngạc nhiên: “Đến bây giờ, tôi vẫn không lý giải được tại sao lúc đó trong lòng luôn có một lời thúc giục, kêu gọi là phải về Việt Nam ngay”. Cái khao khát được trở về ấy mãnh liệt đến nỗi Bá Hải về Việt Nam ngay khi hoàn thành xong phản biện tốt nghiệp vào tháng 6-2010 và không tham dự lễ nhận bằng tiến sĩ sau đó vài tháng.
Dù bất ngờ với chính mình, nhưng Bá Hải chưa bao giờ hối hận. Sau mỗi giờ học, cầm những tờ giấy nhận xét của sinh viên, anh thấy thật hạnh phúc và ấm áp. Nhiều khi vì mải mê giảng bài mà quá giờ ăn trưa khiến sinh viên đói cồn cào, nhưng ai cũng vui vẻ, đến lúc tan lớp mới than. Hay khi sinh viên nói thẳng: “Cách dạy của thầy áp lực quá khiến các em lúc nào cũng phải suy nghĩ để sáng tạo” nhưng lại luôn hoàn thành tốt đề tài. Rồi nhiều nhóm lại chọn cách báo cáo bằng video đọc rap “Mặc dù công việc sáng tạo là không dễ/ Nhưng với đam mê mà thầy truyền đạt/Chúng tôi đã tìm được niềm hăng say/Thầy là người mà ai cũng biết/ Thầy Nguyễn Bá Hải đứng bên trông thật đẹp trai… Cảm ơn thầy về những kiến thức thầy truyền đạt/ Sẽ là hành trang chúng em mang vào đời…” Đây là những kỷ niệm và tình cảm của sinh viên mà nếu Hải đi làm ở một doanh nghiệp nào đó thật khó để mà có được.
Những ngày học đại học, Hải đã đề xuất với cán sự lớp làm băng nói tặng hội người mù nhưng vẫn chưa thực hiện được. Từ đó, Hải luôn ấp ủ muốn làm một điều gì đó cho những người khuyết tật.
May mắn là ngành học Tiến sĩ của Hải có liên quan đến sự tương tác giữa người với thế giới xung quanh qua xúc giác. Và theo lý thuyết tri giác của con người thì thông tin mà con người nhận được qua đôi mắt là lớn nhất. Vì vậy, cách đây ba năm Hải bắt đầu nghiên cứu làm một chiếc mũ có tác dụng giống như “mắt thần” giúp người khiếm thị đi lại bình thường. Tới đầu năm 2012, Hải và các cộng sự đã cho ra mắt sản phẩm đầu tay của mình.
Phía trước chiếc nón có gắn cảm biến laser xác định vật cản trong phạm vi 3-150cm, sau đó chuyển thành tín hiệu rung ở phía trên trán. Đến gần vật cản, tín hiệu rung mạnh hơn, khi chuyển hướng sang phía không có vật cản, tín hiệu rung tắt. Điều này giúp người khiếm thị tránh được các vật cản và di chuyển dễ dàng hơn. Sản phẩm này còn giúp người mù phát hiện vật ở cao, thấp, to, nhỏ, ngay cả khi trước mắt là một vật trong suốt như tấm gương.
Ban đầu, để sản xuất một chiếc mũ nặng gần 5kg phải tốn hơn 20 triệu, nhưng đến nay với phiên bản thứ 8, chiếc mũ nặng nề được chuyển thành một mắt kính thời trang, gọn nhẹ và chắc chắn. Trọng lượng sản phẩm hiện chỉ còn 250g với chi phí còn dưới 4 triệu. Sản phẩm đã nhận được những giải thưởng như: giải nhân văn Robocon Techshow Việt Nam 2012, giải nhất Nhà sáng tạo Việt Nam.
Hiện tại, nhóm tiếp tục tìm các giải pháp sao cho giá thành rẻ nhất nhằm giúp cho càng nhiều người mù tiếp cận được với sản phẩm. Để có vốn, Hải nhận đi dạy cho các doanh nghiệp với mức lương cao, khi đã đủ chi phí, Hải lại quay về với công việc sáng tạo của mình.
Cùng với sự tài trợ kinh phí ban đầu của một số mạnh thường quân, Hải và nhóm nghiên cứu đã sản xuất được khoảng 100 chiếc mũ dành tặng cho người khiếm thị tại TP. HCM, Cần Thơ, Bình Dương và Thanh Hóa. Đã có nhiều nơi đặt mua giải pháp công nghệ này với giá lên đến vài tỷ đồng nhưng Hải từ chối. “ Tôi biết có nhiều em khiếm thị không dám cho mình một ước mơ vì dường như nó quá xa vời. Chính điều đó đã thúc đẩy tôi phải làm việc nhiều hơn nữa để mang đến những điều có ích cho người khuyết tật.
Nhưng để có nhiều thiết bị dành tặng người mù thì cần thêm rất nhiều bàn tay, tấm lòng từ các mạnh thường quân”, Hải chia sẻ.
Cuối năm 2012, Hải đã hoàn thành xong bộ sản phẩm SmartKit dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Bộ thiết bị nhỏ gọn cắm vào máy tính, cùng với bộ giáo trình đi kèm do anh biên soạn sẽ giúp các em sáng tạo, viết những chương trình cho riêng mình có ứng dụng trong thực tế như viết phần mềm học tập, trình chiếu. Hải sẽ dạy hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, vì chỉ mới có 30% kinh phí tài trợ nên dự án trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
Với mái tóc “3 phân”, sinh viên gọi Hải là “hòa thượng thích dạy học”, “hòa thượng thích 1 đô”. “hòa thượng” có gương mặt hiền, nụ cười tươi nhưng cũng có lần “đuổi” thẳng sinh viên ra khỏi lớp và luôn yêu cầu rất cao ở sinh viên. Nhìn Hải, nhiều người sẽ nghĩ: “Chắc chỉ ở nhà lầu, đi xe hơi”, còn “hòa thượng” lại cười toe toét “Tôi vẫn đang ở trọ như các em sinh viên thôi”.
|
Trước đó, từ năm 2011 Hải cũng đã mở lớp học 1USD (mỗi người tham gia lớp học chỉ cần đóng học phí là 1 đô-la) dành cho những người yêu thích kỹ thuật. Đến nay đã có khoảng 1.000 người theo học. “Em là sinh viên trường Đại học Cần Thơ, em tên Lực đã học lớp 1USD của anh và nhóm hocdelam.org. Thật sự rất cảm ơn những câu nói và những lời chia sẻ ngắn nhưng đầy cảm xúc của anh đã làm em thức tỉnh.”... Đây là chia sẻ của một sinh viên đã tham gia lớp học 1USD đầu tháng 11-2012 của Hải tại Đại học Cần Thơ, trên facebook của Hải.
“Một người có tâm với giáo dục”
Tự nói về mình, Hải cười: “ Tôi muốn sống hết mình với từng khoảnh khắc trôi qua và tiếp nối các thầy cô truyền đạt tất cả hiểu biết của mình cho các em đi sau”.
0 Post a Comment:
Post a Comment
Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!
Chúc bạn có một ngày thật vui vẻ.