"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên"

せんりのみちもいっぽから

Jan 29, 2022

Xuân này con không về

Xuân này con không về
Anh bạn mình sau 10 năm sống ở Nhật, đã có Vĩnh trú, làm việc cho một tập đoàn tiêu dùng lớn vào năm 2017 đã quyết định về nước, vẫn làm cho tập đoàn ấy nhưng chi nhánh tại Việt Nam. Năm 2017 mình vẫn còn đang ở Nhật, hai anh em gặp nhau trong 1 buổi chiều mưa rét lâm thâm của mùa đông năm ấy. Mình hỏi: Anh đang có tất cả ở đây, tại sao anh lại về? Người ta đang đua nhau chạy đi anh quay về làm gì.

Anh bảo: Phải về thôi, bao nhiêu đêm anh nằm nghĩ rồi, anh bỏ gia đình sang Nhật khi bố mẹ anh ngoài 60, giờ ông bà cũng ngoài 70 rồi, làm ở đây mỗi năm chỉ về nhà được 1 hoặc nhiều lắm là 2 lần, vậy không nhẽ nhỡ mấy năm nữa ông bà qua đời, anh chỉ còn gặp mặt ông bà được vài lần nữa thôi sao?

Đến thời điểm hiện tại khi mình đang viết những dòng này, anh đã lập gia đình với người bạn gái lâu năm yêu từ ở Nhật, anh quyết định về chị cũng về theo.

Hỏi anh, anh bảo anh hài lòng khi về nước, vẫn được làm công việc cũ nhưng vị trí cao hơn, còn mức lương so với mặt bằng mức sống Việt Nam thì quá ổn, và quan trọng, anh cảm thấy ấm áp khi được sống với gia đình, bạn bè lâu năm. Chiều chiều buồn thì ới cái gọi nhau uống cốc bia…thích có người tâm sự khi nào cũng có…điều vốn là thứ xa xỉ ở Nhật.

Anh bảo: Ai bảo anh hèn, anh là loser “kẻ thất bại” cũng được, anh thấy hài lòng với lựa chọn của mình, vậy là đủ.

Người ở nhà thì ham đi ra nước ngoài, và thực tế cách sống, cách làm việc của nhiều người hợp với nước ngoài, nên ra đi, theo mình là lựa chọn tốt hơn cho họ. Nhưng nhiều người lại hợp với Việt Nam và ra đi để nhận ra mình hợp với nơi nào, như mình, cũng là lựa chọn tốt. Vậy nên mình đang ở Việt Nam và sẽ mãi ở Việt Nam.

Ra nước ngoài, được nhiều, mất cũng nhiều. Bạn được sống trong một môi trường an toàn hơn, không khí trong lành sạch sẽ, đồ ăn thức uống đảm bảo, một xã hội quy chuẩn đến từng milimet như Nhật.

Môi trường làm việc thì cũng tùy, có nơi chuẩn và thực sự học hỏi được nhiều, có nơi người ta đối xử với trí thức cũng không hay hơn ngoài đường mấy đâu, sỉ vả quỵt lương phân biệt đối xử nên nhiều người cũng phải chuyển công ty nhiều lần mới chọn được môi trường ư
ng ý. Xã hội mà, sự đa dạng tốt xấu luôn tồn tại, quan trọng bạn chấp nhận đến đâu.

Nhìn chung, ra nước ngoài, chăm chỉ một chút, chịu khó quan sát học hỏi một chút sẽ chẳng thiếu ăn thiếu mặc được đâu. Như bản thân mình cũng chẳng thiếu ăn thiếu mặc gì cả. Thỉnh thoảng có tiền đi du lịch đây đó.

Thế nhưng qua thời gian, bạn sẽ chợt nhận ra rằng thực ra bạn không thuộc về cuộc sống nơi đây và bạn không thuộc về xã hội này. Và quy chuẩn lối sống của họ cũng không hợp với bạn, hay hợp với cá nhân mình thì đúng hơn.

Bạn sẽ phải thường xuyên đối diện với nỗi cô đơn. Có nhiều đợt, vài tháng trời mình không gặp ai có thể gọi là bạn, đồng nghiệp công ty hay sinh viên học cùng trường hết giờ là mải miết theo đuổi mục tiêu của riêng họ, ngoài vài câu xã giao sẽ chẳng có gì hơn.

Một số bạn kỹ sư từng tâm sự với mình câu chuyện kiểu như sau: Chị ơi, ở xứ này, ngoài tiền em thấy em không được gì. Đi làm tối ngày tối mắt đến 9h tối về, thứ 7 cũng làm. Cả ngày thứ Bảy em ngủ cho lại sức rồi Chủ Nhật giỏi lắm ra ngoài coffee được một tý là xong. Các mối quan hệ lãng mạn đa phần tan vỡ bởi cả hai bên đều quá mệt mỏi để quan tâm đến nhau.

Người Nhật họ làm việc như cái máy và đa phần họ hẹn hò cũng như cái máy. Sẽ cực kỳ khó để bạn dám mở mồm với một người bạn Nhật là êu đang chán đây, coffee tý đi. Các cuộc hẹn đều được lên lịch chính xác ngày giờ địa điểm trước ít nhất 2 tuần cho đến cả tháng, và họ sẽ sững người nếu có ai đó hẹn họ trước độ chỉ 1,2 ngày. Mà nỗi buồn, tâm sự cần chia sẻ thì đâu phải chờ được vài tuần, thế nên thôi hãy học tự cách mà gặm nhấm nỗi cô đơn của mình.

Khi không có bạn bè để dựa vào, bạn trông vào gia đình, nhưng đó là ở Việt Nam, còn ở Nhật, bạn chỉ có thể nói chuyện với bố mẹ qua loa rằng con ổn, không sao đâu dù thực tế bạn ốm lê lết hàng tuần giời, nhưng gào lên chỉ khiến người nhà lo chứ giải quyết gì, thế nên dù có ốm đau thì sẽ nằm nhịn đói cho đến khi lấy hết chỗ sức lực còn lại lê được ra cửa hàng tiện lợi gặm cái bánh ngọt khô khốc và uống chai nước lọc là hết.

Nhiều người sẽ coi rằng sao mà yếu đuối thế, sao mà kém cỏi thế. Nhưng tránh làm sao được, bởi người Nhật, xã hội Nhật kia mà họ còn cô đơn kinh khủng, nữa mình là người nước ngoài, gia nhập xã hội của họ khi tuổi đã cứng, quan hệ có thân mấy cũng chỉ ở mức vài tháng cốc bia cốc rượu chứ khó mà có những mối quan hệ thân tình, tương trợ như ở Việt Nam.

Với gia đình, dù bạn đi đến đâu, bạn vẫn là người Việt Nam, và người Việt Nam nên sống theo truyền thống Việt Nam, bố mẹ già vẫn mong được nhìn thấy con, được con cho đồng quà tấm bánh, nói dăm lời động viên.

Bạn có thể bỏ lại họ và họ vẫn phải chịu, nhưng những lúc đêm nằm nghĩ và nhìn thấy nhiều người già Nhật lưng còng đến rạp người, quanh năm con cái không hỏi thăm, bạn sẽ nghĩ trời ơi bố mẹ mình đang ở một nơi nào đó cũng khổ như thế này, và ý nghĩa của việc bạn đang sống nơi đây bỏ lại bố mẹ là gì vậy…trong cuộc đời còn lại, bạn sẽ nhìn mặt bố mẹ được bao nhiêu lần nữa?

Mình đã ngoài 30 tuổi rồi…đến tuổi này là tuổi hướng về nguồn cội và đảm đương trách nhiệm gia đình…vậy nên ai hỏi mình đi nữa không, câu trả lời là KHÔNG!

Sắp Tết rồi, bạn có nhớ nhà không?

Cre: Nguyễn Ngọc Diệp
St taihen chia se facebook

0 Post a Comment:

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến!
Chúc bạn có một ngày thật vui vẻ.

Kết nối bạn bè

Wikipedia

Search results

Video Nổi bật

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm

 
Please Enable Javascript!Enable JavaScript